Mỗi bóng đèn huỳnh quang có chứa 1 lượng khoảng ~ 5mg hơi thủy ngân. Các hợp chất của thủy ngân rất độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường, vì vậy, khi xử lý tái chế bóng đèn huỳnh quang phải đảm bảo việc thu hồi triệt để các dạng tồn tại của thủy ngân không cho phát tán vào môi trường. Hệ thống xử lý bóng đèn huỳnh quang được Công ty Môi Trường Xanh đưa vào sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và thân thiện với môi trường. Các bóng đèn huỳnh quang phế thải được xử lý trên một hệ thiết bị khép kín ở dưới áp suất thấp (200 - 500 mmHg) phù hợp với các công đoạn xử lý bóng trong chu trình.
Thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang phế thải được chế tạo đồng bộ gồm các bộ phận chính như sau:
- Thiết bị nghiền đập;
- Bơm hút chân không tạo áp suất thấp;
- Bơm phun nước rửa;
- Bộ phận phân loại vật liệu (kim loại, thủy tinh, bột huỳnh quang...);
- Bể chứa nước tuần hoàn;
- Cột hấp phụ Hg dạng khí;
- Cột hấp phụ Hg dạng hòa tan trong nước rửa;
- Bộ phận hiển thị thủy ngân thoát ra từ thiết bị.
Mô tả quy trình xử lý bóng đèn huỳnh quang:
Thuyết minh quy trình công nghệ:
- Bóng đèn phế thải (25 bóng/ lần) được đưa vào buồng nghiền đập.
- Hệ bơm chân không hoạt động sẽ tạo áp suất thấp trên toàn bộ hệ thống máy xử lý và đồng thời cấp nước rửa để rửa sạch lớp bột phủ huỳnh quang của bóng đèn.
- Máy nghiền hoạt động làm nhiệm vụ đập vỡ bóng và nghiền nhỏ phần thuỷ tinh tới kích thước 3-4 mm và đi qua phần lưới lọc xuống buồng chứa thuỷ tinh vụn. Phần kim loại không bị nghiền nhỏ được rửa sạch bằng nước không lọt qua lưới lọc sẽ nằm lại buồng nghiền và được thải ra ngoài qua các cửa thu phế liệu khi kết thúc chu trình làm việc của hệ thống máy.
- Tại buồng nghiền, thuỷ tinh vụn sẽ được rửa sạch lớp bột phủ huỳnh quang bằng nước rửa tuần hoàn sau đó đi sang buồng phân loại thủy tinh và được lưu giữ lại. Phần bột phủ (bột huỳnh quang) theo nước rửa đi sang buồng chứa bột. Phần thuỷ tinh vụn được thải ra ngoài qua cửa thu phế liệu khi kết thúc chu trình làm việc của hệ thống máy và mang đi hóa rắn.
- Tại buồng chứa bột huỳnh quang, phần nước rửa được tách ra và đi xuống bể chứa nước rửa. Phần bột huỳnh quang được tích lại trong buồng chứa (khi đủ số lượng) sẽ được cấp nhiệt tới 250oC ở dưới áp suất thấp (300 mm Hg) để đảm bảo Hg bị hấp thu trong lớp bột này được chưng cất lôi cuốn ra hết và đi vào hệ thống hấp phụ hơi thuỷ ngân. Phần bột còn lại không nguy hại được hóa rắn.
- Do trong quá trình rửa một phần Hg sẽ đi vào nước rửa, vì vậy nước rửa sẽ được đưa qua cột hấp phụ được nhồi đầy than hoạt tính, tại đây Hg sẽ được hấp phụ hết và nước rửa sẽ được bơm tuần hoàn trở lại hệ thống thiết bị tạo một chu trình làm việc khép kín tiết kiệm nước.
- Toàn bộ phần hơi thuỷ ngân trong quá trình xử lý sẽ được đưa qua hệ thống hấp phụ nhồi than hoạt tẩm (than hoạt tính được ngâm tẩm H2SO4 ….) tại đây hơi Hg sẽ được hấp thu hết; khí thải từ hệ thống thiết bị ra ngoài môi trường sẽ đạt được tiêu chuẩn cho phép.
- Khi hệ thống hấp phụ hơi thuỷ ngân đã quá bão hoà sẽ xuất hiện hơi thuỷ ngân trên bộ phận hiển thị, khi đó chất hấp phụ được tẩm trong cột hiển thị sẽ tạo phức với thuỷ ngân và chuyển màu. Lúc này phải dừng hệ thống xử lý bóng để tái chế lại các cột hấp thu Hg.
- Các cột than hoạt tính sau khi hấp phụ no Hg sẽ được mang đi đóng kén.