Năm 2010 các khối băng ở đảo băng Greenland tan chảy với tốc độ nhanh nhất trong hơn nửa thế kỷ qua và đây là một bằng chứng mới nhất cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Trong báo cáo công bố ngày 28/6, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ khẳng định Trái Đất đang tiếp tục ấm lên khi các khối băng tại Greenland tan chảy với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1958, là thời điểm các chuyên gia bắt đầu thu thập dữ liệu về tiến trình này.
Diện tích băng tại Bắc Cực đã bị thu hẹp đáng kể, trong khi các sông băng ở dãy núi Alps cũng trong tình trạng tương tự. Lý giải điều này, các chuyên gia nhận định nguyên nhân là do năm 2010 là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử.
Năm ngoái cũng là năm chứng kiến những hình thái thời tiết bất thường tại nhiều nơi trên thế giới như nắng nóng khủng khiếp tại Nga, lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan khiến hơn 20 triệu người phải đi lánh nạn và tuyết rơi dày kỷ lục tại nhiều thành phố ở Mỹ.
Ngoài ra, hàng loạt các nghiên cứu khác cũng cảnh báo về tốc độ tan băng ở Bắc Băng Dương, khiến mực nước biển dâng cao, đe dọa các đảo cũng như những vùng duyên hải thấp.
Theo số liệu của Chương trình Giám sát và đánh giá Bắc Cực, sự nóng lên ở điểm cực này sẽ khiến cho mực nước biển dâng thêm 1,6m vào năm 2100, thời điểm sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đây.
Nhiều nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ sự thất vọng trước sự bế tắc ngoại giao trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua. Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sắp tới sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào cuối tháng 11 tới