ADB vừa thông qua khoản hỗ trợ trị giá khoảng 12 triệu USD cho Dự án Quản lý tài nguyên biển và vùng bờ Tam giác San hô, trong đó có 1 triệu không hoàn lại từ Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật của ADB và 11,2 triệu đồng tài trợ với Cơ quan Môi trường Toàn cầu (GEF). Chính phủ các nước Indonesia, Malaysia và Philippines đóng góp 3 triệu USD cho dự án.
Những vỉa san hô Vùng Tam giác đang dần biến mất
Theo ông Kunio Senga, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB, “mục tiêu của dự án chính là đẩy mạnh các thể chế quốc gia và địa phương đối với việc quản lý bền vững hệ sinh thái biển và vùng bờ, đồng thời lập ra những cơ chế hỗ trợ sinh kế bền vững ở các cộng đồng ven biển”.
Được biết, Dự án Quản lý Các Tài nguyên Biển và Vùng bờ được kỳ vọng hoàn thành vào tháng 6/2015 với ba đối tượng chính là Malaysia, Indonesia và Philippines. Với khoản đầu tư này, dự án sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý các nguồn tài nguyên, xây dựng năng lực của các cơ quan giám sát; đồng thời phát triển các sinh kế thay thế cho những cộng đồng đánh bắt cá ven biển, tiến tới giảm bớt nhiều hoạt động gây hại đến môi trường.
Tam giác San hô là một trong những hệ sinh thái biển đa dạng nhất nhưng đang bị đe dọa nặng nề nhất trên thế giới – bao gồm diện tích vùng biển của 6 nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương (5,7 triệu km2): Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, quần đảo Solomon và Đông Timor. Theo một số bản đánh giá về Vùng Tam giác San hô, hiện có tới 88% số vỉa san hô tại đây đang bị đe dọa bởi các hoạt động của con người, dẫn đến những mất mát nặng nề đối với nghề cá và ngành công nghiệp du lịch của 6 nước nói trên.