Nước thải sau khi vận chuyển từ các chủ nguồn thải về được lưu giữ riêng, lấy mẫu phân tích sơ bộ và xử lý trong quy mô Phòng thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm được áp dụng để xử lý ở quy mô công nghiệp. Công ty lựa chọn hệ thống xử lý nước thải không liên tục (xử lý theo mẻ) vì tính chất, thành phần các loại nước thải công ty thu gom về rất khác nhau, lưu lượng cũng không ổn định do phụ thuộc vào tình hình sản xuất của chủ nguồn thải.
Hiện tại, Công ty đang vận hành 02 hệ thống xử lý nước thải được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cấp phép:
+Hệ thống xử lý nước thải số 1, công suất thiết kế 6m3/giờ.
+Hệ thống xử lý nước thải số 2, công suất thiết kế 200m3/ngày.
Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải số 01 , công suất 6m3/giờ.
Hệ thống xử lý nước thải có công suất thiết kế: 6m3/giờ. Bao gồm:
- Các bể điều hòa/bể lắng: có tổng thể tích khoảng 200m3.
- Bể tuyển nổi công suất 6m3/giờ.
- Bể phản ứng bậc I: 02 bể với tổng thể tích khoảng 40m3
- Xyclon phản ứng bậc II: 04 xyclon phản ứng với tổng thể tích khoảng 130m3.
- Máy ép bùn khung bản: 02 máy, công suất 5m3/máy/giờ.
THUYẾT MINH KỸ THUẬT:
Nước thải được Công ty phân thành 02 dòng chính: nước thải lẫn dầu và nước thải có tính chất khác (axít, kiềm, kim loại nặng…)
Nước thải lẫn dầu: được đưa vào bể tuyển nổi để tách dầu trước khi xử lý ở các công đoạn tiếp theo. Tại bể tuyển nổi, nước thải được bổ sung hóa chất keo tụ và dưới tác dụng nâng của những bọt khí dầu, các chất lơ lửng không có khả năng lắng trong nước thải sẽ nổi lên và được hệ thống cánh gạt chuyển sang ngăn chứa dầu. Lượng dầu này sẽ được lấy ra qua van xả đáy của ngăn chứa dầu khi ngăn đầy sau đó đốt trong lò đốt CTNH. Nước thải sau khi xử lý qua hệ thống tuyển nổi được điều hòa nồng độ, lưu lượng và tiếp tục được bơm chuyển qua các bể phản ứng.
Nước thải có tính chất khác: sau khi được điều hòa lưu lượng, nồng độ, tùy thuộc vào tính chất của từng loại nước thải sẽ được bơm vào các bể phản ứng khác nhau.
Tại các bể phản ứng, hóa chất được bổ sung nhằm tạo rác kết tủa kim loại nặng dưới dạng bùn sệt. Sau thời gian phản ứng toàn bộ hỗn hợp nước - bùn này thải được bơm chuyển sang bể điều hòa 3 và bơm vào các máy ép bùn.
Phần bùn cặn được giữ lại sẽ đem đi xử lý đốt trong lò đốt chất thải nguy hại hoặc đưa đi tái chế (nếu có thành phần kim loại có giá trị cao) và phần nước trong đưa về bể điều hòa 4 (đã được loại bỏ phần lớn kim loại nặng) được tiếp tục bơm lên các Xyclo phản ứng để xử lý. Tại các xyclo này, tùy thuộc vào tính chất các loại nước thải sẽ được điều chỉnh pH, chất oxyhóa/chất khử, các chất keo tụ để kết tủa - tạo bông các thành phần kim loại nặng còn lại trong nước thải.
Sau thời gian phản ứng và chờ lắng, phần nước trong bên trên xyclo được xả qua tháp lọc. Phần bùn cặn lắng dưới đáy xyclo được xả về bể điều hòa 3 và đưa vào máy ép bùn.
Tháp lọc chứa các vật liệu lọc (than hoạt tính/hạt trao đổi ion) có tác dụng một lần nữa loại bỏ các ion kim loại còn lại trong nước thải.
Nước qua tháp lọc có độ pH và các chỉ tiêu kim loại đáp ứng quy chuẩn thải sẽ được xả bể kiểm soát nước thải trước khi đưa vào hệ thống thu gom nước thải tập trung của KCN Nam Sách.
Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải số 02 , công suất 200m3/ngày.
Hệ thống xử lý nước thải có công suất thiết kế: 200m3/ngày. Bao gồm:
- Cụm bể điều hòa, bể lắng: có tổng thể tích khoảng 1000m3.
- Tháp tuyển nổi công suất 12m3/giờ.
- Bể phản ứng, bể sinh học: tổng thể tích khoảng 900m3.
- Hệ thống bể lọc công suất 15m3/giờ.
- Máy ép bùn khung bản: công suất 5-10m3/máy/giờ.
THUYẾT MINH KỸ THUẬT:
Xử lý sơ bộ
- Nước từ bể chứa được bơm vào bể trộn vôi có bố trí hệ thông máy khuấy vôi
- Bể trộn vôi được cấp vôi và sục khí gián đoạn để tránh lắng cặn vôi và làm tăng hiệu quả nâng pH. Bể có vai trò khử 1 số ion kim loại nặng trong nước và khử màu cho nước
- Nước thải sau bể trộn được tiếp tục được dẫn vào bể điều hòa. Tại bể điều hòa có bố trí hệ thống sục khí nhằm tăng khả năng hòa trộn. Nước thải từ bể điều hòa được bơm lên bể lắng cặn vôi để tách cặn vôi trước khi vào công đoạn tiếp theo
Xử lý hóa lý
- Nước thải tử bể lắng được dẫn sang bể xử lý hóa lý để loại bỏ các căn lơ lửng trong nước và 1 phần tử màu. Bể xử lý hóa lý có tác dụng keo tụ + tao bông + lắng.
Bùn lắng được bơm về bể chứa bùn, phần nước trong chảy qua máng tràn trước khi vào bể xử lý sinh học.
Xử lý Nito và khử Canxi
Với nước thải chứa nito cao trước khi qua bể xử lý sinh học nước thải được loại bỏ Nito bằng hệ thống Stripping và khử Canxi
Nước thải sẽ được bơm tự động lên tháp Stripping theo mực nước đo được trong bể chứa. Các bơm đầu vào của tháp Stripping được hoạt động hoặc dừng tự động theo sự hoạt động của bơm cấp nước từ bể chỉnh pH
Khí được cấp cho 2 tháp Stripping hoạt động theo nguyên tắc nối tiếp:Nước thải sau tháp Stripping 1 sẽ được thu vào hố bơm rồi được bơm tiếp lên tháp stripping 2 quá trình hoạt động như tháp Stripping 1
Sau khi qua tháp Stripping 2 nước thải sẽ được đưa qua bể xử lý Canxi nhằm loại bỏ ion Ca2+ trước khí đi vào giải đoạn xử lý sinh học.Tại đây nước thải được trộn với hóa chất trên đường ống phần Ca2+ kết tủa sẽ lắng tại ngăn lắng,nước sẽ tràn theo máng thu sang bể xử lý sinh học
Xử lý tại cụm bể xử lý sinh học
Tại cụm bể xử lý sinh học, nước thải được xử lý sinh học qua 3 cấp (yếm khí, thiếu khí và hiếu khí). Tại đây, các chủng vi sinh vật (dạng bùn hoạt tính) được cấp và nuôi cấy tại các bể và cấp khí dưới đáy bể với các bể thiếu khí và hiếu khí. Dưới sự hoạt động của các vi sinh vật, các chất hữu cơ có trong nước thải được chuyển hoá thành thức ăn. Các bước xử lý sinh học bao gồm:
Xử lý sinh học yếm khí
Bể sinh học kị khí dựa trên hoạt động của lớp bùn kỵ khí lơ lửng ở đáy bể. Nước thải được đưa từ đáy bể phản ứng qua hệ thống phân phối được thiết kế đồng bộ dọc theo đầu vào. Lớp bùn hạt chiếm một phần nhỏ thể tích của bể, hiệu quả của hệ thống phân phối nước đầu vào và lượng khí sinh ra là kết quả của sự khuấy trộn nước thải đầu vào với lớp bùn hạt. Quá trình xử lý chất hữu cơ thực hiện bên trong lớp bùn hạt. Đối với một vài loại nước thải thì trên lớp bùn hạt hình thành lớp bông bùn và chất rắn lơ lửng trong nước thải này không tiếp xúc với lớp bùn hạt mà di chuyển phía trên và nằm trong lớp bông bùn sau khi nước thải qua lớp bông bùn này sẽ tiếp tục qua hệ thống 3 pha rắn - lỏng - khí.
Nước thải sau khi qua bể sinh học kỵ khí sẽ tự chảy sang Bể sinh học thiếu khí để tiếp tục được xử lý.
Xử lý sinh học thiếu khí
Bể có chức năng xử lý các loại nước thải có nồng độ Amoni, nitrit, nitrat, nito vô cơ, photpho...cao ở điều kiện thiếu khí.
Nước thải được bơm vào bể và được khuấy trộn đều nhờ thiết bị khuấy trộn đặt dưới đáy. Quá trình xử lý được cấp khí qua từ các đĩa.
Xử lý sinh học hiếu khí Aerotank
Các vi sinh hiếu khí sẽ tiếp nhận ôxy và chuyển hoá chất hữu cơ thành thức ăn. Trong môi trường hiếu khí (nhờ O2 sục vào), vi sinh hiếu khí tiêu thụ các chất hữu cơ để phát triển, tăng sinh khối và làm giảm tải lượng ô nhiễm trong nước thải xuống mức thấp nhất.
Nước thải sau khi qua bể Aerotank sẽ tự chảy qua bể lắng bùn sinh học.
Khử trùng nước và lọc
Nước thải sau khi qua bể lắng thứ cấp được dẫn sang bể khử trùng ,tại ngăn đầu tiên của bể khử trùng,bơm định lượng sẽ cấp dung dịch hóa chất đễ khử trùng nước thải,sau 1 thời gian phản ứng trong bể khử trùng nước thải. Nước thải từ bể khử trùng được bơm lên thiết bị lọc có sử dụng các vật liệu lọc.
Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn của QCVN 40:20011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cột A được bơm về tháp chứa nước sau xử lý để sử dụng tuần hoàn cho các hoạt động của nhà máy hoặc xả ra hồ sinh học.
Xử lý bùn
Bùn lắng từ các bể lắng cặn vôi, khử Canxi, lắng, lọc áp lực được đưa về bể nén bùn trước khi được đưa vào máy ép bùn.